Ngành y tế là một trong những lĩnh vực thiết yếu trên toàn thế giới, bên cạnh các lĩnh vực như năng lượng, nhu yếu phẩm, lương thực… Chẳng hạn qua đại dịch Covid-19 vừa xảy ra, dù hoạt động sản xuất – kinh doanh trong mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, nhưng lĩnh vực y tế đặc biệt lại tăng trưởng mạnh về vật tư, thiết bị, nghiên cứu khoa học… để có thể tìm ra giải pháp phòng bệnh, chữa bệnh cho con người. Bên cạnh chuyên môn về y dược, khám chữa bệnh, việc nắm rõ về vật tư y tế cũng rất quan trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn vật tư y tế là gì nhé!

Vật tư y tế là gì?

Vật tư y tế là một khái niệm chung chỉ các loại vật tư tiêu hao, vật dụng, dụng cụ…  dùng cho một số mục đích dưới đây:

  • Chẩn đoán, thoe dõi, ngăn ngừa và điều trị nhằm giảm thiểu tổn thương, chấn thương hay bệnh tật
  • Kiểm tra, thay thế, điều chỉnh hoặc hỗ trợ giải phẫu và quá trình sinh lý
  • Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống
  • Kiểm soát quá trình thụ thai
  • Khử trùng tất cả trang thiết bị y tế, bao gồm cả hóa chất được sử dụng cho xét nghiệm
  • Cung cấp thông tin cho việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị thông qua biện pháp kiểm tra các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể con người

Phân loại vật tư y tế

Phân loại vật tư y tế

Theo quy định, tất cả các loại vật tư y tế hiện nay đều phải được phân loại đầy đủ tại các cơ quan chức năng, sau đó được công bố tại bộ y tế theo danh sách dưới đây:

Vật liệu tiêu hao dùng 1 lần:

  • Vật liệu tiêu hao làm bằng nhựa và cao su chẳng hạn như găng tay, dây truyền dịch, ống thở, kim tiêm, hộp đựng thuốc…
  • Vật liệu cầm máu: bông gòn, gạc, garo, băng cá nhân
  • Vật liệu làm bằng kim loại: dao mổ , kéo, mỏ vịt, nẹp,…
  • Vật liệu làm bằng giấy: giấy tờ để in tài liệu khám chữa bệnh
  • Vật liệu phục vụ mục đích xét nghiệm: vòi bơm lấy dung dịch, ống nghiệm, lọ đựng chất xét nghiệm…
  • Nội thất chuyên dụng y tế: giường bệnh, xe lăn, tủ đầu giường, cọc truyền dịch…
  • Vật liệu làm từ inox: khay quả đậu, ống cắm pank, bát, chậu, hộp…

Dụng cụ y tế:

Bao gồm 3 loại chính dưới đây:

  • Dụng cụ thăm khám chữa bệnh: ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế, đèn soi chuyên dùng…
  • Dụng cụ phẫu thuật: dao phẫu thuật, kéo, kẹp, kim phẫu thuật, đồ banh, cưa, ống dẫn lưu, chỉ tự tiêu, chỉ phẫu thuật,…
  • Dụng cụ nội soi: trocar, ống giảm, kéo, các loại phanh, kẹp phẫu thuật, móc đốt điện, khâu, dao siêu âm… Nhìn chung dụng cụ nội soi được chia thành loại có khóa hoặc không, loại dùng chấu cắm điện đơn cực hoặc lưỡng cực, dùng một lần hoặc nhiều lần…

Hóa chất:

Được chia thành hai loại chính:

  • Hóa chất thông thường :dùng trong các xét nghiệm thông thường như các dung dịch sát trùng, tẩy rửa..
  • Hóa chất đặc thù: dùng cho các xét nghiệm chuyên sâu và tùy thuộc và loại hình, máy móc xét nghiệm để có hóa chất hỗ trợ đi kèm. Nó có thể là hóa chất xét nghiệm huyết học – công thức máu – sinh hóa máu, hóa chất xét nghiệm nước tiểu, hóa chất xét nghiệm hệ miễn dịch, hóa chất xét nghiệm hệ sinh dục, hóa chất xét nghiệm điện giải, hóa chất xét nghiệm đông máu, hóa chất xét nghiệm các loại virus đặc thù…

Sinh phẩm xét nghiệm:

Là các loại hóa chất dùng để chuẩn đoán nhanh, được đóng gói riêng theo từng thông số, bao gồm:

  • Các loại kiểm tra cho kết quả nhanh như que thử thai, xét nghiệm nhanh viêm gan B, HIV, ma túy…
  • Các loại kiểm tra làm kháng sinh đồ
  • Các loại kiểm tra an toàn thực phẩm (đảm bảo không có hoạt chất hóa học bị cấm)

Sinh phẩm xét nghiệm

Quản lý vật tư, trang thiết bị y tế – Ngành đặc thù tại Việt Nam

Qua sự kiện đại dịch Covid-19 vừa rồi khi chúng ta chứng kiến nhiều nơi trên thế giới đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu vật tư y tế cần thiết để xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ta có thể hình dung ra tầm quan trọng của các loại dụng cụ, đồ dùng này trong ngành Y. Hầu hết các công việc về vật tư, trang thiết bị y tế đều sẽ có nhân lực quản lý riêng biệt.

Theo công ty TNHH Chỉ phẫu thuật CPT – đơn vị chuyên sản xuất vật tư y tế, chỉ tự tiêu dùng trong phẫu thuật cho biết rằng những người đảm nhận công việc này phải đảm bảo về chuyên môn kỹ thuật, cấu hình, tính năng của vật liệu, dụng cụ, thiết bị y tế đồng thời nắm rõ các quy định, quy trình, thủ tục về đấu thầu mua sắm vì vật tư, trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt, đa dạng về chủng loại, luôn được cập nhật mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thay đổi liên tục theo sự phát triển của công nghệ.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý còn phải dựa trên phân loại về mức độ rủi ro và tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, thừa nhận hoặc do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng theo quy định của pháp luật.

Quản lý vật tư thiết bị y tế

Tại bệnh viện có các phòng Vật tư – Thiết bị y tế là bộ phận đảm nhận trách nhiệm về mảng này. Một số cơ quan Y tế quy mô nhỏ vẫn chưa có đủ điều kiện thành lập phòng Vật tư – Thiết bị y tế riêng biệt thì cũng luôn có nhân viên am hiểu về việc này để tư vấn, thực hiện hiệu quả trong việc tìm hiểu, đầu tư, thực hiện quy trình mua sắm, quản lý khai thác sử dụng có hiệu quả vật tư và thiết bị y tế.

Nhận biết được tầm quan trọng của việc quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, hiện nay Nhà nước đã đầu tư không ít vào việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, mở rộng và nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo đội ngũ nhân sự. Đặc biệt dưới áp lực khi gia nhập Tổ chức WHO, lĩnh vực vật tư, trang thiết bị y tế cũng cần được cải thiện và nâng cao để theo kịp tầm phát triển và tăng trưởng với các quốc gia khác.

Tuy nhiên nhìn chung quy trình sản xuất, quản lý vật tư và trang thiết bị y tế của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót và kém xa so với các nước trong khu vực. Chúng ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu một số dụng cụ công nghệ cao. Việc kiểm chuẩn định kỳ, bảo dưỡng và sửa chữa các vật tư, thiết bị y tế còn yếu, không đủ nguồn, chi phí và nhân lực để thực hiện.

Thậm chí nhiều địa phương, các tỉnh vùng sâu xa, các nơi kinh tế kém phát triển còn thiếu vốn để đầu tư và đổi mới trang bị đầy đủ các loại vật tư tiêu hao. Trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để khai thác hết công suất trang thiết bị hiện có, đồng thời theo kịp những cải tiến về kỹ thuật và công nghệ. Nhiều bệnh viện tỉnh chưa có phòng quản lý Vật tư – thiết bị y tế, điều đó gây phát sinh nhiều về chi phí mua sắm vật tư, đồng thời tăng khả năng hư hao, hao mòn. Chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước hiện nay vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn cho các nhà lãnh đạo.

Vật tư y tế là công cụ không thể thiếu để hỗ trợ y bác sĩ trong việc chữa trị cho bệnh nhân. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về lĩnh vực này và tình hình, triển vọng ngành nghề tại Việt Nam.